Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

01/09/2021 09:07 Số lượt xem: 571

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là sự kế thừa, tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo từ các tiền đề: Một là, chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa, giáo dục và tinh thần nhân ái Việt Nam; Hai là triết lý giáo dục phương Đông, những tư tưởng tiến bộ thời cận đại. Nhưng tiền đề quan trọng nhất, cái tạo nên sự phát triển về chất trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trên cơn sở đó và cùng với quá trình hoạt động thực tiễn cách mạng sinh động, phong phú của mình, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm hết sức sâu sắc và mới mẻ về vai trò, mục đích, nhiệm vụ,, nội dung, phương pháp giáo dục.

Về vai trò giáo dục:

           Hồ Chí Minh đã từng nói:“ Thiện ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu, phần lớn đều do giáo dục mà nên”. Người muốn nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục trong việc hình thành phẩm chất, nhân cách con người, “thiện”, “ác” không phải là bản chất sẵn có của con người mà chủ yếu là do quá trình giáo dục hình thành nên.

          Hồ Chí Minh còn quan tâm chỉ đạo giáo dục tích cực phục vụ hoạt động kinh tế, làm cho hai lĩnh vực này liên hệ chặt chẽ với nhau. Người đánh giá tác dụng tích cực của giáo dục trong quá trình phát triển kinh tế: “ Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế”.

  Về mục đích giáo dục:

  Người chỉ rõ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. “Học để yêu Tổ quốc, học để yêu nhân dân, học để yêu lao động, học để yêu đạo đức”.

  Vì thế, Hồ Chí Minh chủ trương giáo dục toàn diện: trong đó đức phải đi đôi với tài, tài là phải coi trọng cả tài và đức, không những phải giầu về tri thức mà còn phải có đạo đức cách mạng. Học phải gắn liền với hành, lý luận phải gắn liền với thự tiễn để có “những công dân tốt và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà”. Có nghĩa phải đào tạo được những con người có lý tưởng cao đẹp, biết sống vì Tổ quốc, vì nhân dân và có thái độ quý trọng lao động, Người yêu cầu: “…Phải chú trọng đủ các mặt, đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất”.

          Mục đích giáo dục lớn nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh là vì con người, cho con người, là xây dựng con người mới, đào tạo ra những con người biết làm chủ nước nhà.

          Nhiệm vụ giáo dục:

          Người đặt ra nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp học, cấp đại học, cấp trung học, cấp tiểu học. Ở cấp trung học, Người nói rằng cần phải bảo đảm cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tiễn.

          Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến nhiệm vụ có tính chiến lược là vun trồng và bồi dưỡng thế hệ trẻ nhằm kế tục sự nghiệp của cha ông trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 2/9/1945, ngày khai trường năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, gửi thư cho các em học sinh Người đã khảng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sát vai với các cường quốc năm châu được hay không , chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Vì thế chăm lo giáo dục-đào tạo thế hệ trẻ “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

          Về nội dung giáo dục:

          Để xây dựng xã hội chủ nghĩa theo Người: “Trước hết cần phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Đào tạo con người xã hội chủ nghĩa không có con đường nào khác là giáo dục tri thức khoa học và lý tưởng, đạo đức xã hội chủ nghĩa. Đó là nền giáo dục nhằm phát triển con người toàn diện trong thời đại mới. Hồ Chí Minh cho rằng phải xây dựng con người toàn diện những mặt chính sau: Trí dục, đức dục, thể dục, mĩ dục, giáo dục lao động kỹ thuật. Ngoài ra cần phải học lý luận Mác-Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày, phải luyện tài, rèn đức, trong đó, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tới giáo dục đạo đức. Người nói “dạy cũng như học là phải biết chú trọng cả tài và đức”, đức được coi như là “cái gốc” của cây, “nguồn” của sông, nếu không có đức thì tài cũng vô dụng.

          Về phương pháp giáo dục:

          Hồ Chí Minh lấy nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn làm nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng các phương pháp về giáo dục. Người nhấn mạnh: “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học và hành phải kết hợp với nhau”. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc kết hợp các hình thức giáo dục, không tuyệt đối hóa bất cứ một hình thức giáo dục nào. Người viết: “Giáo dục dù trong nhà trường có tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Đắc biệt, Người nhấn mạnh phương pháp “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Bởi vậy, Người căn dặn phải luôn gắn việc học tập với thực tế cuộc sống, với đời sống của nhân dân; tránh kiểu học vẹt, lối dạy sách vở.

          Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời, Người là một nhà giáo, một nhà sư phạm. Tư tưởng của Người về giáo dục-đào tạo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tư tưởng đó không chỉ là cơ sơ lý luận cho việc xác định và thực thi chiến lược đào tạo con người, chủ trương, đường lối chỉ đạo phat triển nền giáo dục Việt Nam của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng, mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục hết sức sinh động, thực tiễn và hiệu quả đối với những người làm công tác giáo dục nói riêng, ngành giáo dục nói chung hiện nay. Vì vậy, Điều 3, Luật giáo dục, năm 2005 của nước ta khẳng định: “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”.

                                                                                  Đỗ Ngọc Uẩn

                                                                  60- Mai Bang-Suối Hoa-Bắc Ninh