Những kết quả nổi bật của ngành thể thao Bắc Ninh sau 10 năm thực hiện nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị

10/06/2021 08:26 Số lượt xem: 373

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Người nhận định: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công”. Thuấn nhuần tư tưởng của Người, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trưởng, chính sách quan tâm, phát triển nền thể dục thể thao nước nhà; nhiều phong trào và hoạt động thể thao lớn được tổ chức hàng năm nhằm thu hút, kêu gọi, động viên người dân cả nước cùng tham gia tập luyện thể dục, thể thao hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước”.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020” ngày 01/12/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 25/10/2012 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08 và Chỉ thị số 24, Thể dục thể thao tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật, cụ thể:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiêm túc, hiệu quả, ban hành nhiều văn bản, cụ thể hoá các nội dung Nghị quyết tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức góp phần phát triển văn hoá, thể dục, thể thao toàn diện; công tác thông tin tuyên truyền được tiến hành thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác TDTT được nâng lên rõ rệt. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 08 được quan tâm, hằng năm và dịp sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết đều có các đoàn kiểm tra liên ngành giữa Ngành Văn hóa, Thể thao &Du lịch với các ngành liên quan, Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết tại các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh; tổ chức khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện tại 8/8 đơn vị cấp huyện, các Trung tâm văn hoá, thể thao các xã, phường, thị trấn, tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết. Qua kiểm tra, giám sát đã giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nghị quyết hiệu quả, góp phần tích cực vào việc phát triển thể dục thể thao (TDTT) trong toàn tỉnh.

Nhiều địa phương các cấp ủy, chính quyền đã xác định phát triển TDTT để xây dựng đời sống văn hóa mới góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội; công tác quản lý nhà nước về TDTT được đổi mới, bộ máy tổ chức được kiện toàn, tinh gọn từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đội ngũ cán bộ chuyên môn, huấn luyện viên thể thao được tăng cường, đủ trình độ, chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thể dục thể thao, có 6/8 phòng Văn hoá Thông tin cấp Huyện có cán bộ chuyên môn TDTT, Có 126/126 xã phường, thị trấn có cán bộ văn hóa, thể thao; 733/733 thôn, khu phố có cán bộ kiêm nhiệm quản lý Nhà văn hóa - Khu thể thao.

Hai là, phong trào thể dục thể thao quần chúng của tỉnh phát triển rộng rãi trong các nhóm lứa tuổi từ thanh thiếu nhi đến người cao tuổi, từ cán bộ công chức, công nhân lao động đến lực lượng vũ trang…với nhiều hình thức và nội dung hoạt động phong phú, góp phần quan trọng thoả mãn nhu cầu luyện tập, thi đấu và nâng cao sức khoẻ nhân dân (Đến năm 2020, số câu lạc bộ thể dục thể thao trong tỉnh có 2.050 câu lạc bộ, điểm tập tăng 725 CLB, điểm, nhóm tập so với năm 2012). Nhiều chỉ tiêu về thể dục thể thao quần chúng đã đạt và vượt so với chỉ tiêu của Nghị quyết (tỷ lệ số người tham gia tập thể dục thể thao thường xuyên trên tổng số dân năm 2020 ước đạt 36%), là tỉnh có phong trào thể dục thể thao trung bình khá của cả nước.

Ba là, giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong các nhà trường đã phát triển mạnh mẽ (năm 2020, tỷ lệ số trường học thực hiện nội dung giáo dục thể chất bắt buộc theo quy định có chất lượng trên tổng số trường đạt 100%, tỷ lệ số trường học duy trì hoạt động ngoại khóa thường xuyên trên tổng số trường đạt 100%), phương pháp dạy và học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục thể chất đổi mới theo hướng tích hợp với các hoạt động giáo dục khác trong chương trình giáo dục; đổi mới nội dung, hình thức tổ chức hoạt động TTTH (tổ chức giải thi đấu thể thao cho học sinh, sinh viên tại địa phương, đơn vị; phát triển các loại hình câu lạc bộ TDTT trong trường học; tổ chức dạy và học bơi trong các cơ sở giáo dục phổ thông...), việc tổ chức tập thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ trở thành hoạt động bắt buộc trong nội dung giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Bốn là, thể thao thành tích cao những năm trở lại đây đã có những bước đột phá thu được nhiều thành tích đáng khích lệ, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đặt ra. Quy trình đào tạo VĐV bài bản, khoa học và phù hợp với chiến lược chung của quốc gia. Một số môn thể thao trọng điểm đã có bước đột phá, đi tắt đón đầu để từng bước xây dựng được thương hiệu. Đặc biệt, đã xác định đúng hướng đầu tư các môn thể thao trọng điểm, luôn đạt các thứ hạng cao (huy chương vàng) tại các giải thi đấu quốc gia và quốc tế, đã có VĐV đạt huy chương vàng ở giải vô địch trẻ châu Á, các kỳ Seagames, hằng năm đạt 160 - 200 huy chương các loại (luôn vượt kế hoạch đề ra). Tỉnh luôn quan tâm, ban hành cơ chế thu hút nhân tài là những vận động viên có thành tích trên đấu trường quốc gia và quốc tế được tuyển bổ sung hằng năm góp phần tăng cường đội ngũ huấn luyện viên có trình độ cao cho tỉnh; Đồng thời , tiếp tục mở rộng đào tạo thêm các môn thể thao mang tính chiến lược, lâu dài nhằm cung cấp lực lượng cho các đội tuyển quốc gia…

Năm là, công tác quy hoạch diện tích đất cho thiết chế văn hóa - thể thao các cấp đã cơ bản hoàn thành. Cơ sở vật chất phục vụ văn hoá, TDTT từng bước được đầu tư xây dựng, các thiết chế văn hoá, TDTT ở cấp thôn, khu phố phát huy tốt hiệu quả tại các cụm, khu dân cư (Cấp tỉnh: đã bổ sung quy hoạch xây dựng Khu Liên hợp TDTT tỉnh diện tích hơn 100 ha tại khu đô thị mới Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Đáp ứng điều kiện đăng cai tổ chức các hoạt động tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Cấp huyện: 8/8 đơn vị đã quy hoạch đất cho 03 công trình TDTT cơ bản tổng diện tích trên 60 ha. Cấp xã: 126/126 xã, phường, thị trấn đã quy hoạch diện tích đất cho TDTT. Thôn, khu phố: diện tích đất các công trình TDTT đang sử dụng 118,4ha, trong đó khoảng 30ha là các công trình TDTT riêng, số diện tích còn lại sử dụng kết hợp lồng ghép cùng các công trình văn hoá, các khu vui chơi giải trí ngoài trời, khu di tích…).

Sáu là, công tác xã hội hoá TDTT bước đầu phát huy có hiệu quả, huy động được nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thể dục thể thao, nhất là lĩnh vực xây dựng cơ sở vật chất thể thao ngoài công lập, góp phần giải quyết được một phần những khó khăn về ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng công trình thể dục, thể thao: bể bơi, nhà tập, sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân tennis... Ngoài việc đầu tư các công trình văn hoá, thể thao, hằng năm các cá nhân, tổ chức đã đóng góp, tài trợ kinh phí, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và công lao động cho tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao ước hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, việc đầu tư trang thiết bị tập luyện TDTT đơn giản tại các điểm công cộng trên địa bàn dân cư thành phố Bắc Ninh và các huyện được nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia tập luyện TDTT.

Bảy là hợp tác quốc tế về thể dục thể thao ngày càng được tăng cường, hằng năm, tỉnh cử các VĐV có dự báo chuyên môn tốt ở một số môn thể thao trọng điểm tham gia tập huấn ở các nước có trình độ chuyên môn cao như Thái Lan, Trung quốc, Indonesia… Để chuẩn bị cho các giải đấu lớn trong và ngoài nước, kỳ đại hội TDTT. Hiện nay, tỉnh đang thuê 02 chuyên gia nước ngoài môn Vật và Boxing trực tiếp huấn luyện cho đội tuyển tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham mưu, phối hợp, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn một số tồn tại, hạn chế như:

- Công tác tổ chức bộ máy cấp huyện còn bộc lộ những bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ phát triển thể dục thể thao trong tình hình mới. Hệ thống thiết chế các công trình thể thao cơ bản các cấp còn thiếu, tiến độ đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, thể thao theo quy hoạch còn chậm, nhất là cấp cơ sở. Chưa có sân vận động đủ tiêu chuẩn để tổ chức bóng đá và các hoạt động TDTT khác; việc triển khai Đề án “Bóng đá học đường” còn chậm.

- Đội ngũ cán bộ chuyên môn TDTT các cấp còn thiếu, nhất là cán bộ cấp cơ sở thường xuyên biến động do công tác tổ chức cán bộ, một số đơn vị chuyên môn cấp huyện, một số xã, phường công chức văn hóa - xã hội không có chuyên ngành TDTT, do đó hạn chế trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện hoạt động TDTT tại đơn vị, địa phương.

- Kinh phí đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm, nhiều chương trình, đề án phát triển TDTT của tỉnh chưa được đảm bảo theo yêu cầu từng giai đoạn nên thành tích thể thao chưa cao tại các đấu trường lớn. Lực lượng VĐV kế cận ở các môn thể thao còn mỏng. Đội ngũ huấn luyện viên một số môn chất lượng chưa cao.

- Ngân sách cho TDTT đã được tỉnh quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, còn thấp so với nhiều tỉnh, thành trên cả nước, chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, phối hợp, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về công tác thể dục, thể thao, tuyên truyền sâu rộng các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về phát triển TDTT trong các cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân. Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng các điển hình về TDTT, qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa ở cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng hình thức lồng ghép trong các Chương trình thi đấu thể thao ở cơ sở, tuyên truyền trực quan về Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đưa nội dung phát triển TDTT vào trong Nghị quyết của cấp ủy và chính quyền các cấp. Gắn kết, lồng ghép việc chỉ đạo, tổ chức phong trào luyện tập thể dục, thể thao với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cùng với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Chỉ thị số 24-CT/TU. Thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật trong cơ quan, đơn vị, cơ sở dịch vụ thể dục, thể thao (công lập, ngoài công lập), đảm bảo lợi ích chung của xã hội. Cơ quan chuyên môn về TDTT các cấp quan tâm, có chiến lược xây dựng lực lượng nòng cốt, tạo điều kiện thuận lợi và bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực lãnh đạo, quản lý công tác thể dục, thể thao.

Thứ tư, Tiếp tục đầu tư, quan tâm phát triển phong trào TDTT quần chúng,  xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trong đó, đầu tư xây dựng sân vận động đủ tiêu chuẩn để tổ chức bóng đá và các hoạt động TDTT khác; đầu tư trang thiết bị dụng cụ tập luyện thể thao tại các điểm công cộng, công viên, khu vui chơi các thôn, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh. Quan tâm phát triển thể thao trường học, trong lực lượng vũ trang, trong cán bộ công chức, người lao động, người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; quan tâm đến khu vực nông thôn, tăng cường tổ chức các hoạt động, các giải thể thao.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất TDTT phục vụ tổ chức, thi đấu các giải thể thao và đào tạo, nâng cao thành tích huấn luyện viên, vận động viên thể thao. Xây dựng chiến lược phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2021- 2025 định hướng đến 2030. Tăng cường rà soát, kịp thời tham mưu chính sách cho HLV, VĐV thể thao thành tích cao, nhằm động viên, khích lệ các VĐV, HLV tập luyện và thi đấu giành thành tích cao nhất. Tăng cường trao đổi, học tập, mở rộng hợp tác và giao lưu thể thao trong nước, quốc tế.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục, thể thao, tăng cường huy động và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao. Tạo điều kiện thuận lợi cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các lực lượng xã hội (doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân) tham gia tổ chức các hoạt động, xây dựng cơ sở vật chất TDTT, tổ chức tài trợ luyện tập, thi đấu; thành lập Câu lạc bộ, trực tiếp tổ chức thi đấu, tiếp thị kinh doanh dịch vụ TDTT. Khuyến khích lập quỹ tài trợ, quỹ bảo vệ tài năng thể thao, tôn vinh những cá nhân, tập thể đóng góp nhiều cho sự nghiệp TDTT./.

Đ/c Nguyễn Phương Mai

                          TUV,Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy