Một số trình tự, thủ tục áp dụng bảo vệ an ninh mạng

19/09/2022 16:21 Số lượt xem: 490

Nghị định số 53/2022/NĐ-CP, ngày 15/8/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, trong đó có nội dung quan trọng về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng như sau:

Trình tự, thủ tục thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia: Thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia do lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện theo quy định. Trình tự thực hiện thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia: Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia nộp hồ sơ đề nghị thẩm định an ninh mạng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng có thẩm quyền; Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiếp nhận, kiểm tra, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định an ninh mạng và cấp giấy tiếp nhận ngay sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ trong thời gian 03 ngày làm việc; Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiến hành thẩm định an ninh mạng theo nội dung quy định tại khoản 3, Điều 11, Luật An ninh mạng và thông báo kết quả trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cấp giấy tiếp nhận hồ sơ cho chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Hồ sơ đề nghị thẩm định đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, bao gồm: Văn bản đề nghị thẩm định an ninh mạng; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ thiết kế thi công dự án đầu tư xây dựng hệ thống thông tin trước khi phê duyệt; Đề án nâng cấp hệ thống thông tin trước khi phê duyệt trong trường hợp nâng cấp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Trường hợp cần xác định sự phù hợp giữa hiện trạng của hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và hồ sơ đề nghị thẩm định, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng thực tế của hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia để đối chiếu với hồ sơ đề nghị thẩm định. Việc khảo sát, đánh giá thực tế bảo đảm không gây ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của chủ quản cũng như hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Thời gian khảo sát, đánh giá thực tế không quá 07 ngày làm việc. Kết quả thẩm định an ninh mạng được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Trình tự, thủ tục kiểm tra an ninh mạng: Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiến hành kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin theo quy định tại khoản 5, Điều 13, khoản 1, Điều 24, Luật An ninh mạng. Nội dung kiểm tra an ninh mạng, bao gồm: Kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng; kiểm tra, đánh giá hiệu quả các phương án, biện pháp bảo đảm an ninh mạng, phương án, kế hoạch ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng; kiểm tra, đánh giá phát hiện lỗ hổng, điểm yếu bảo mật, mã độc và tấn công thử nghiệm xâm nhập hệ thống; kiểm tra, đánh giá khác do chủ quản hệ thống thông tin quy định. Trình tự, thủ tục kiểm tra an ninh mạng của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng: Thông báo về kế hoạch kiểm tra an ninh mạng theo quy định; Thành lập Đoàn kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Tiến hành kiểm tra an ninh mạng, phối hợp chặt chẽ với chủ quản hệ thống thông tin trong quá trình kiểm tra; Lập biên bản về quá trình, kết quả kiểm tra an ninh mạng và bảo quản theo quy định của pháp luật; Thông báo kết quả kiểm tra an ninh mạng trong 03 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành kiểm tra. Trường hợp cần giữ nguyên hiện trạng hệ thống thông tin, phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, phát hiện điểm yếu, lỗ hổng bảo mật; hướng dẫn hoặc tham gia khắc phục khi có đề nghị của chủ quản hệ thống thông tin, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng gửi văn bản đề nghị chủ quản hệ thống thông tin tạm ngừng tiến hành kiểm tra an ninh mạng. Nội dung văn bản phải ghi rõ lý do, mục đích, thời gian tạm ngừng hoạt động kiểm tra an ninh mạng.

Trình tự, thủ tục ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia: Đối với các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia khi gặp sự cố an ninh mạng thì thực hiện trình tự, thủ tục ứng phó, khắc phục sự cố như sau: Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thông báo bằng văn bản và hướng dẫn biện pháp tạm thời để ngăn chặn, xử lý hoạt động tấn công mạng, khắc phục hậu quả do tấn công mạng, sự cố an ninh mạng cho chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Trường hợp khẩn cấp, thông báo bằng điện thoại hoặc các hình thức khác trước khi thông báo bằng văn bản; Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia có trách nhiệm thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn và các biện pháp phù hợp khác để ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả ngay sau khi nhận được thông báo. Trường hợp vượt quá khả năng xử lý, kịp thời thông báo cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng để điều phối, ứng phó khắc phục sự cố an ninh mạng; Trường hợp cần ứng phó ngay để ngăn chặn hậu quả xảy ra có khả năng gây nguy hại cho an ninh quốc gia, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng quyết định trực tiếp điều phối, ứng phó khắc phục sự cố an ninh mạng. Điều phối, ứng phó khắc phục sự cố an ninh mạng của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng: Đánh giá, quyết định phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng; Điều hành công tác ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng; Chủ trì tiếp nhận, thu thập, xử lý, trao đổi thông tin về ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng; Huy động, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan tham gia ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng trong trường hợp cần thiết; Chỉ định đơn vị đầu mối phối hợp với các đơn vị chức năng của các quốc gia khác hoặc các tổ chức quốc tế trong hoạt động ứng phó, xử lý các sự cố liên quốc gia trên cơ sở thỏa thuận quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị liên quan ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng; Lập biên bản quá trình ứng cứu sự cố an ninh mạng. Tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp, hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố theo sự điều phối của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng. Trường hợp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet bố trí mặt bằng, cổng kết nối và các biện pháp kỹ thuật cần thiết để Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng. Thủ tục, quy trình cụ thể, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an thực hiện.

Trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân: Trường hợp áp dụng biện pháp: Khi thông tin trên không gian mạng được cơ quan có thẩm quyền xác định là có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật; Khi có căn cứ pháp luật xác định thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế - xã hội đến mức phải yêu cầu xóa bỏ thông tin; Các thông tin trên không gian mạng khác có nội dung được quy định tại điểm c, điểm đ, điểm e khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng theo quy định của pháp luật. Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông: Quyết định áp dụng biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1, Điều 8; Gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, dịch vụ trên mạng Internet, dịch vụ gia tăng trên không gian mạng, chủ quản hệ thống thông tin xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1, Điều 8; Kiểm tra việc chấp hành thực hiện biện pháp của các chủ thể có liên quan được yêu cầu; Trao đổi, chia sẻ thông tin về việc thực hiện biện pháp này, trừ trường hợp nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước hoặc yêu cầu nghiệp vụ của Bộ Công an. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng quyết định áp dụng biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, an ninh quân đội theo quy định tại khoản 1, Điều 8 đối với hệ thống thông tin quân sự.

Trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng: Dữ liệu điện tử là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự. Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an quyết định tiến hành biện pháp thu thập dữ liệu điện tử để phục vụ điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Việc thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng được thực hiện theo quy định của pháp luật; đồng thời bảo đảm các yêu cầu sau: Giữ nguyên hiện trạng của thiết bị số, dữ liệu điện tử; Việc sao ghi dữ liệu điện tử phải được thực hiện đúng quy trình bằng các thiết bị, phần mềm được công nhận, có thể kiểm chứng được, phải bảo vệ được tính nguyên vẹn của dữ liệu điện tử lưu trong thiết bị; Quá trình khôi phục dữ liệu, tìm kiếm dữ liệu điện tử phải được ghi nhận lại bằng biên bản, hình ảnh, video, khi cần thiết có thể lặp lại quá trình đi tới kết quả tương tự để trình bày tại tòa án; Người thực hiện thu thập dữ liệu điện tử phải là cán bộ chuyên trách được giao thực hiện nhiệm vụ thu thập dữ liệu điện tử. Nguyên tắc sao chép, phục hồi dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng: Trường hợp dữ liệu điện tử được cho là có giá trị chứng minh tội phạm mà cần phải sao chép, phục hồi hoặc nếu muốn sao chép, phục hồi dữ liệu điện tử, người thực hiện sao chép, phục hồi phải có thẩm quyền để sao chép, phục hồi và phải có quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Lập biên bản cho các hoạt động sao chép, phục hồi chứng cứ điện tử, trường hợp cần thiết có thể mời một bên thứ ba độc lập tham gia, chứng kiến, xác nhận quy trình này. Thu giữ phương tiện lưu trữ, truyền đưa, xử lý dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng được thực hiện theo quy định pháp luật. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng quyết định áp dụng biện pháp thu thập dữ liệu điện tử để phục vụ điều tra các vụ việc vi phạm, tội phạm gây mất an ninh, an toàn thông tin, xâm phạm an ninh quốc gia, an ninh quân đội trên không gian mạng.

Lưu Văn Tuấn

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy