Làm giàu trên vùng đất khó

19/09/2022 16:14 Số lượt xem: 253

Với tư duy dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Văn Linh (thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức, huyện Gia Bình) đã khởi nghiệp thành công bằng giấc mơ đưa nông sản an toàn của Việt Nam “xuất ngoại”. Anh Nguyễn Văn Linh vinh dự là 1 trong 27 nông dân tiêu biểu được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022.

Anh Nguyễn Văn Linh (đứng thứ 2 từ trái sang) đưa Lãnh đạo HND tỉnh tham quan mô hình

Sải bước trên cánh đồng xanh ngút ngàn giữa mênh mông sông nước, chúng tôi mới được “mục sở thị” phương pháp làm nông nghiệp thời hiện đại. Đưa chúng tôi đi thăm khu đồng đất rộng 40 ha trên chiếc xe bán tải, anh Nguyễn Văn Linh chia sẻ: Toàn bộ các cánh đồng trong khu đều có đường rộng để thuận tiện cho xe tải về thu gom, vận chuyển sau thu hoạch. Đồng thời việc sử dụng máy móc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất và hệ thống tưới tiêu nước nhờ đó cũng trở nên dễ dàng. Năm 2008, trong một lần đi bẫy chim ở bãi Nguyệt Bàn, nhận thấy khu đất này thuận lợi cho việc trồng các loại  rau củ quả nhưng lại bị bỏ hoang, rất lãng phí nên anh đã thuê lại toàn bộ diện tích để cải tại sản xuất. Khi bắt tay vào công cuộc khai hoang vùng đất bãi bồi giữa sông để trồng cà rốt, anh Linh gặp phải không ít khó khăn. Anh đã phải mất gần một năm thuê tàu phà chở máy móc, nhân công ra cải tạo đất, xây dựng trang trại. Người thân lại càng ái ngại khi anh dồn gần chục tỷ đồng vào đầu tư mà vụ đầu toàn bộ diện tích bị mất trắng do mùa nước lên cao.

Khó khăn chồng khó khăn nhưng không khiến anh nản chí mà dường như lại trở thành động lực giúp anh quyết tâm hơn để “làm cho kỳ được”. Đứng giữa khu đồng bãi xanh ngút tầm mắt, nhìn thấy nụ cười luôn thường trực trên môi của anh, mấy ai hiểu được rằng mảnh đất này cũng đã ngốn bao nhiêu nước mắt của anh. Mỗi năm anh trồng một vụ cà rốt; một vụ trồng ngô, khoai, dưa hấu, rau màu ngắn ngày gối nhau. Phụ phẩm trong trồng trọt được tận dụng vào việc nuôi bò thương phẩm. Anh Linh cho biết khu đất bãi bồi giữa sông, biệt lập với khu dân cư xung quanh do vậy cây trồng, vật nuôi ít bị nhiễm sâu bệnh. Hơn nữa mỗi năm khi mùa nước lên, bãi đất sẽ được cung cấp một lượng dưỡng chất do phù sa bồi đắp. 

Trước nhu cầu ngày càng tăng của các đối tác nước ngoài thu mua rau củ cung ứng cho thị trường các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, anh Linh đã quy tụ 16 hộ dân trong vùng thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mỹ Linh. Từ đó liên kết, tạo nguồn nông sản cung ứng ổn định với khối lượng lớn cho các đối tác. Trong quá trình sản xuất, anh Linh đặc biệt coi trọng vấn đề chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Điều đặc biệt là toàn bộ diện tích sản xuất đều không sử dụng bất kỳ loại thuốc hóa học nào mà chỉ sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học. Hệ thống bơm tưới nước cho cây trồng cũng được thực hiện bằng hệ thống tự động hóa. Quá trình sản xuất đều được ghi chép nhật kí đầy đủ, để kịp thời đánh giá, nắm bắt được tình hình sinh trưởng của cây. Trung bình 1 sào cà rốt cho thu 3 tấn củ, trong đó loại đẹp củ to đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 2 tấn, số còn lại được sử dụng vào chế biến và làm thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm, trang trại của anh Linh xuất khẩu sang Nhật Bản từ 2.500 đến 3.000 tấn cà rốt. Trừ chi phí mỗi năm anh thu về khoảng 2,5-3 tỷ đồng. Nói về kinh nghiệm để đưa sản phẩm của trang trại mình xâm nhập vào các thị trường khó tính, anh Linh cho rằng: Sản xuất quy mô lớn với quy trình an toàn là xu hướng của nền nông nghiệp hiện đại. Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng của nông sản theo quy chuẩn dinh dưỡng, tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước đối tác thì việc quy mô sản xuất đảm bảo nguồn cung ổn định cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều mô hình mặc dù chất lượng sản phẩm được đánh giá cao nhưng lại không nhận được các đơn hàng lâu dài do quy mô sản xuất nhỏ, giao thông phục vụ cho việc vận chuyển còn khó khăn, khả năng liên kết vùng còn hạn chế. Do vậy đối với những hộ sản xuất nhỏ thì việc liên kết để cùng sản xuất và cùng tiêu thụ theo mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác là rất quan trọng; giúp nâng cao hiệu quả đầu tư, hạn chế rủi ro, đặc biệt là khắc phục được tình trạng “được mùa - mất giá” do thị trường phụ thuộc quá nhiều vào các tiểu thương.

Diện tích canh tác của trang trại là 32 hecta

Đứng dậy vững vàng sau những thất bại từ những ngày đầu khó khăn, anh Nguyễn Văn Linh đã khởi nghiệp thành công bằng nghị lực kiên cường và niềm đam mê với nghề nông, với khát vọng đem rau củ của mình “xuất ngoại”. Mỗi năm doanh thu của HTX Mỹ Linh đạt gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 60 - 100 lao động địa phương. Hi vọng rằng với sự nỗ lực của anh Linh, không chỉ có cà rốt, củ cải đường mà sẽ có nhiều hơn nữa nông sản của “ốc đảo” tiếp tục được “xuất ngoại”; mang thương hiệu nông sản Việt tiến xa hơn trên trường quốc tế. Ghi nhận sự nỗ lực, kết quả trong sản xuất kinh doanh của anh Linh, tại Hội nghị Biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tháng 9 vừa qua, anh Nguyễn Văn Linh vinh dự được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ./.

Nguyễn Thu

Hội Nông dân tỉnh