Học tập và làm theo tác phong quần chúng của Bác Hồ gắn bó máu thịt với nhân dân

15/09/2022 15:48 Số lượt xem: 191

    Điểm nổi bật nhất trong tác phong của Bác Hồ là tác phong quần chúng: sâu sát, tin yêu và tôn trọng quần chúng; vừa lãnh đạo quần chúng, vừa phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng; vừa giáo dục quần chúng, vừa không ngừng học hỏi quần chúng; chú ý lắng nghe ý kiến quần chúng; giản dị, gương mẫu trước quần chúng, luôn luôn quan tâm đến đời sống quần chúng.

   Bác thường dạy cán bộ, đảng viên chúng ta phải “từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Bác đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “quan cách mạng”, “quan nhân dân” không xứng đáng là người đầy tớ, người học trò của nhân dân,. Những thói mệnh lệnh, cửa quyền đối với quần chúng, cưỡng bức ức hiếp quần chúng, không chú ý rằng nghe ý kiến phê bình, hững kiến nghị của quần chúng, bỏ mặc không xem xét những yêu cầu, khiếu nại của quần chúng là hoàn toàn xa lạ với quan điểm và tác phong của Bác. Bác thường nhắc nhở mọi người : “Chúng ta phải yêu dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Làm cho dân kính, dân tin, dân yêu, dân phục là vấn đề thuộc về lòng người. Uy quyền có thể làm cho người ta sợ, chứ không thể giành được sự tin yêu, kính phục của người khác. Quần chúng chỉ tin yêu, kính phục cán bộ, đảng viên khi thấy ở người cán bộ, đảng viên tấm lòng chọn vẹn với dân, với nước, như Bác Hồ đã dạy.

  Tấm lòng của Bác đối với nước, với dân mênh mông như biển cả. Lòng yêu nước, thương dân thiết tha, ý chí căm thù giặc sâu sắc đã nung nấu trong con người Bác một khát vọng cháy bỏng, một động lực mãnh liệt trong suốt cả cuộc đời người là làm sao cho đất nước được độc lập, nhân dân ta được tự do, hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Khi đã trở thành Chủ tịch nước, Bác vẫn không khác Già Thu hồi mới trở về Pắc Bó. Khi về ở tại khu Phủ Chủ tịch giữa thủ đô Hà nội, Bác vẫn gần gũi mọi người như ông Ké hồi ở chiến khu Việt Bắc. Dù bận rất nhiều việc lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng đã hàng trăm lần Bác đến các đơn vị của các lực lượng vũ trang nhân dân thuộc đủ các ngành, các binh chủng, quân chủng để thăm hỏi cá bộ, chiến sĩ,, Bác đã có mặt ở hàng trăm công trường, xí nghiệp, nông trường, hợp tác xã, bệnh viện, trường học, nhaf gửi trẻ, lớp mẫu giáo và nhiều nơi ở của những công nhân, cán bộ bình thường. Dấu chân Bác đã để lại ở nhiều địa phương từ trung du đến đồng bằng, từ miền núi đến vùng duyên hải và các đảo xa. Có đến hàng nghìn lần Bác đã tiếp khách trong khu Phủ Chủ tịch, không phải chỉ ở trong phàng khách long trọng mà còn ở bên giàn hoa hoặc trên sàn gỗ. Đối với mọi người Bác đêu ân cần, trân trọng. Tết độc lập đầu tiên-tết Ất Dậu năm 1945. Đêm ba mươi tết, trời rét và mưa lất phất. Ăn cơm tối xong, Bác đi đến chỗ đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Thành phố Hà Nội, bảo đưa Bác đi chúc tết một số gia đình ở xóm lao động. Trong đó có một gia đình làm nghề xe kéo, chủ nhà bị ốm nằm trên chiếc chõng tre, đắp chiếc chiếu mỏng. Bác nói: “Ba mươi tết mà không thấy tết”.

  Bác rất tôn trọng thiếu niên nhi đồng. Có lần vào dịp sinh nhật của Người, các đồng chí phục vụ dẫn con cháu mình mang hoa đến chúc thọ Bác. Vì đang bận công việc nên Bác bảo các đồng chí đưa các cháu vào phòng khách tiếp bánh kẹo, nước chờ Bác. Một lát sau Bác xuống thì thấy các cháu đang chơi tha thẩn ngoài vườn, Người không bằng lòng, trách tại sao không tiếp đón các cháu như Bác đã dặn? Đồng chí thư ký trả lời đại để đây là con cháu trong nhà. Bác ôn tồn phê bình: “Các cháu là con của các chú, nhưng là khách của Bác. Bác đang bận thì chú phải tiếp thay Bác”.

  Trong bài báo “Sao cho được lòng dân” đăng trên Báo Cứu Quốc, số 65 ngày 12-10-1945 Bác viết: “muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thẩy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.

  Nhận được hàng nghìn lá thư của nhiều người khác nhau, Bác đều đọc và trả lời một cách chu đáo hoặc cho ý kiến cụ thể để các cơ quan có trách nhiệm giải quyết.

  Tác phong quần chúng của Bác còn thể hiện ở sự giản dị như chính bản thân cuộc sống của Bác. Đối với Bác, mọi nghi thức hình như đêu trở nên thừa, hoặc nếu phải chấp nhận thì cũng chỉ là miễn cưỡng. Bác đến với quần chúng nhân dân như đến với những người thân thích, ruột thịt. Bao giờ Bác cũng đem đến cho mọi người sự gần gũi, ấm cúng, niềm lạc quan, tin tưởng, sự động viên khích lệ lớn lao và thấy rõ những việc cần làm, rất cụ thể, rất thiết thực.

  Để thật sự gắn bó với nhân dân, giữ vững mối liên hệ máu thịt với nhân dân, Người đặt ra 5 yêu cầu với mỗi cán bộ, đảng viên:

  - Phải vừa thực hiện đạo đức công dân, vừa thực hiện đạo đức cách mạng, nghĩa là biết “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”. Người dạy: “Ngày xưa  trung là trung với Vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ mình mà thôi”, còn ngày nay: “Trung là trung với Tổ quốc, hiếu là hiếu với nhân dân”, “Lấy dân làm gốc”.

-Ở đâu cũng phải tự mình nêu gương trước nhân dân, “phải làm mực thước cho dân bắt chiếc”.

-Phải thực hiện “Cần kiệm liêm chính”.

-Phải thấy hết trách nhiệm của mình, “Vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích cuả Đảng lên trên hết. Nếu khi nào lợi ịch của Đảng và lợi ích của cá nhân mău thuẫn với nhau thì lợi ích của cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng”.

-Gắn bó máu thịt với nhân dân, tôn trọng nhân dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, kính yêu dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được “kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại...”.

                                                                                     Đỗ Ngọc Uẩn

                                                                    60-Mai Bang Suối Hoa- Bắc Ninh