Công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em luôn được chú trọng

29/10/2020 15:30 Số lượt xem: 385

Bắc Ninh hiện có hơn 300 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó, có gần 3,9 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gần 3,5 nghìn trẻ em thuộc nhóm có nguy cơ cao. Thời gian qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa ban, ngành, đoàn thể và hưởng ứng tích cực của tổ chức, cá nhân, nhân dân trong tỉnh. Việc huy động và sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu trong Chương trình hành động vì trẻ em ngày càng hiệu quả, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được chú trọng.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt kể từ khi Luật Trẻ em (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, hằng năm, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương phối hợp xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, chủ động phòng ngừa các nguy cơ gây tổn hại, giảm thiểu thấp nhất trẻ bị bỏ rơi, bị bạo lực, xâm hại tình dục. Sở LĐTB&XH đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em; triển khai và nhân rộng các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” và mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em tại các địa phương.

Việc chăm lo cho thế hệ trẻ về giáo dục, thể chất, nhất là đối với trẻ Mầm non và học sinh Tiểu học được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Bắc Ninh bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường từ năm học 2013 - 2014, và là tỉnh thứ 2 trên toàn quốc thực hiện Chương trình Sữa học đường. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có gần 791 nghìn trẻ Mầm non và học sinh Tiểu học được thụ hưởng chương trình, góp phần tích cực nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi; cải thiện về cân nặng và chiều cao cho trẻ. Hiện nay, tỉnh đang tích cực tổ chức triển khai Chương trình “Sữa học đường” giai đoạn 2020 - 2025 trong các cơ sở giáo dục Mầm non và Tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, với mục tiêu tạo cơ hội cho mọi trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, từng bước tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý cho trẻ, giảm tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng cả về chiều cao, cân nặng, thời gian qua, ngành Y tế đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, thực hiện Chương trình bổ sung vitamin A cho trẻ em, phụ nữ sau sinh trong “Ngày vi chất dinh dưỡng”. Những năm qua, Chương trình bổ sinh vitamin A, tỷ lệ trẻ từ 06 - 36 tháng tuổi được uống vitamin A đạt chỉ tiêu đề ra; chất lượng khám, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em đạt yêu cầu. Trẻ khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng; 100% trẻ dưới 06 tuổi được cấp Thẻ Bảo hiểm Y tế kịp thời; kiểm soát tốc độ tăng dân số, giảm dần tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vắc xin, vật tư y tế.

Quyền học tập của trẻ em được quan tâm, thực hiện đầy đủ, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Hệ thống, mạng lưới trường lớp từ Mầm non đến phổ thông cơ bản đáp ứng chất lượng và nhu cầu học tập ngày càng cao... Các địa phương chỉ đạo thực hiện việc quy hoạch, cấp quỹ đất ổn định cho các trường học trên địa bàn. Ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo từng bước được bố trí tăng cường, trong đó ưu tiên kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ em trong các nhà trường. Tính đến nay, tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,8%; 98,7% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích giảm xuống còn 1,58%... 93/126 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; 112/126 xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi dành cho trẻ em…

Công tác bảo vệ trẻ em được thực hiện trên cả 03 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức và kỹ năng, năng lực về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, cán bộ nòng cốt, phụ huynh và chính bản thân các em. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thông qua hệ thống thông tin đại chúng, mạng lưới cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bằng nhiều hình thức. Luật Trẻ em đã được phổ biến rộng rãi đến các cấp, ngành, đoàn thể, đến người dân và trẻ em để đề cao trách nhiệm của từng cấp, từng ngành đối với công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, quyền, nghĩa vụ của trẻ em.

Đến thời điểm hiện tại, 126/126 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có nhà văn hóa - đây cũng là nơi vui chơi, sinh hoạt của trẻ em. Hầu hết các hoạt động vui chơi giải trí của trẻ em gắn với hoạt động của cấp xã, phường, thị trấn. Mặc dù các điểm vui chơi cho các em ở cơ sở còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí nhưng cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo ngành chức năng tạo sân chơi lành mạnh bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết, nghỉ Hè. Một số huyện đã chỉ đạo xã, phường, thị trấn thành lập câu lạc bộ, tổ chức diễn đàn trẻ em, cuộc thi... tạo cho trẻ em cơ hội được phát biểu ý kiến, đề đạt nguyện vọng với các cấp, ngành chức năng...

Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức do tỷ lệ trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt còn khá cao. Bên cạnh đó, nguy cơ trẻ em bị tai nạn, thương tích, bị bạo lực, xâm hại vẫn còn với tính chất ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng của môi trường mạng...

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em để thay đổi hành vi và trang bị kỹ năng về bảo vệ trẻ em; đẩy mạnh phối hợp liên ngành về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn đuối nước; xây dựng, thực hiện hoặc lồng ghép chính sách trợ giúp thực hiện quyền trẻ em nói chung, ưu tiên chính sách trợ giúp có điều kiện cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; duy trì và nhân rộng mô hình ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, diễn đàn trẻ em, Hội đồng trẻ em... nhằm phát huy vai trò của trẻ trong thực hiện quyền, bổn phận của mình, thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ vào các vấn đề trẻ em.

Nguyễn Thị Mai

Văn phòng Tỉnh ủy