Bắc Ninh: Một số kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

14/09/2021 16:01 Số lượt xem: 467

Trong những năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải thiện rõ rệt. Vai trò chủ thể của nông dân ngày càng được phát huy, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn.

Cầu Bình Than kết nối hệ thống giao thông của huyện Gia Bình với Quốc lộ 18 mở ra nhiều cơ hội cho khu vực nông thôn phát triển kinh tế-xã hội

Cùng với việc sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn truy xuất nguồn gốc chất lượng nông sản. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp tiếp tục được củng cố, hoàn thiện. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và thu hút đầu tư vào địa bàn nông thôn đạt kết quả khá, góp phần tích cực giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động phi nông nghiệp.

Kết quả phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn và tái cơ cấu nông nghiệp, tạo việc làm, đã góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, còn 1,04% (giảm 6,68%); tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 100%; 100% người dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.... Ý thức, nhận thức chính trị - xã hội, pháp luật, trình độ sản xuất và tổ chức đời sống của người nông dân được nâng cao. Tổ chức hội nông dân các cấp thu hút được đông đảo nông dân tham gia, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng tập hợp, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nông dân.

Để cụ thể hoá Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào điều kiện thực tiễn của địa phương, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành 14 nghị quyết, chương trình, kết luận; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 44 nghị quyết; Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, ban hành 121 đề án, quy định, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách thiết thực, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn; hỗ trợ điện chiếu sáng đường làng, ngõ, xóm đối với các thôn, khu phố; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội... Rà soát, điều chỉnh và lập mới quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, vùng sản xuất nông sản an toàn tập trung, quy hoạch phát triển công nghiệp, trong đó quan tâm phát triển lĩnh vực chế biến nông sản... Ban hành các đề án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chương trình “mỗi xã phường một sản phẩm”; xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; nâng cao chất lượng môi trường nông thôn; bảo vệ môi trường; xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, làng nghề tỉnh Bắc Ninh.

Giai đoạn 2008-2021, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng từ 5.618,9 tỷ đồng lên 12.687,26 tỷ đồng, tăng 7.068,4 tỷ đồng (126%). Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi - thuỷ sản. Giai đoạn 2008-2021, cơ cấu ngành chăn nuôi thủy sản tăng từ 46,76% lên 55,51%, ngành dịch vụ tăng từ 3,89% lên 5,71%. Toàn tỉnh có 162 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung quy mô 10 ha trở lên với tổng diện tích 2.757,6 ha; 173 cơ sở nuôi trồng thủy sản được đánh giá chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn có bước phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng đô thị, văn minh, hiện đại. Đến hết năm 2020, 100% số xã trong tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn NTM, 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. 100% các tuyến đường đến UBND cấp xã; các tuyến đường liên thôn, đường trục thôn; đường trục chính nội đồng, đường ngõ, xóm được cứng hóa; nhiều tuyến đường được nâng cấp bề mặt, vỉa hè, rãnh thoát nước, đèn chiếu sáng, biển tên đường, biển báo giao thông… Hệ thống công trình thủy lợi nội đồng được nâng cấp, chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.

Toàn tỉnh có 529 HTX nông nghiệp, trong đó: Có 23 HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 49 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, cho doanh thu bình quân 498 triệu đồng/HTX/năm;  01 Liên hiệp HTX nông nghiệp với 21 thành viên. Có 64 liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trong đó: 21 doanh nghiệp trồng trọt thực hiện liên kết với các hộ nông dân; 43 cơ sở chăn nuôi liên kết theo chuỗi.

Bắc Ninh hiện có 203 trang trại đạt tiêu chí theo quy định, trong đó có  52 trang trại trồng trọt, 96 trang trại chăn nuôi, 19 trang trại thủy sản, 36 trang trại tổng hợp. Hoạt động của các trang trại đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo tại địa phương, khẳng định được vị trí quan trọng trong nông nghiệp và nông thôn, góp phần quan trọng trong việc xoá đói giảm nghèo tại một số địa phương.

Tỉnh Bắc Ninh đã đạt kết quả bước đầu trong việc triển khai Chương trình OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển làng nghề, sản phẩm truyền thống của địa phương. Chương trình tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Năm 2020, Bắc Ninh có 33 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 3 sản phẩm đạt 3 sao, 30 sản phẩm đạt 4 sao. Năm 2021, tỉnh đã phê duyệt 81 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thuộc các lĩnh vực: Nông sản, thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí…

Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn tỉnh Bắc Ninh được tập trung đầu tư, nâng cấp hiện đại, đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, xanh - sạch - đẹp, điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển./.

Triệu Bích Hồng, Văn phòng Tỉnh ủy