Bắc Ninh - Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TU, ngày 02/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

23/07/2021 12:24 Số lượt xem: 418

Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó có nguyên nhân do một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên coi trọng công tác PCTN, lãng phí. Ngày 02/4/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 45-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí trên địa bàn tỉnh nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí trên địa bàn tỉnh với nhiều giải pháp được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Qua sơ kết, đánh giá sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác PCTN, lãng phí trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực trong việc giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế bền vững của tỉnh. Xác định tầm quan trọng của Chỉ thị 45-CT/TU, ngay sau khi được ban hành, các cấp, các ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chỉ thị; qua thực hiện một số kết quả nổi bật đã đạt được đó là:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Tỉnh về PCTN, lãng phí được tăng cường, đưa công tác này đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về công tác PCTN, lãng phí. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức 02 hội nghị cán bộ chủ chốt để quán triệt, triển khai thực hiện các quy định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác PCTN (Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019, Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019, Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW, ngày 09/12/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, luật PCTN sửa đổi năm 2018…). Toàn tỉnh đã tổ chức 2.168 lớp, hội nghị với 745.690 lượt người tham gia; in ấn, phát hành 49.752 đầu sách, tài liệu về PCTN; Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các đài truyền thanh cơ sở đã thực hiện hàng trăm tin, bài, phóng sự về công tác PCTN. Nhiều cơ sở đào tạo, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã đưa nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy theo đúng tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh công tác tuyên truyền, việc biểu dương khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác đấu tranh PCTN được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo nhằm khuyến khích, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân tham gia phản ánh, tố giác và đấu tranh PCTN. Theo chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, năm 2020 tập thể Thanh tra tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, 16 tập thể, 17 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen do có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2020. Thành phố Bắc Ninh đã khen thưởng 05 đơn vị có thành tích trong việc thực hiện Luật PCTN.

- Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng thực hiện đồng bộ, có hiệu quả:

+ Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị làm cho nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có chuyển biến tích cực, kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở từng loại hình cơ sở có nhiều tiến bộ, công tác quản lý điều hành của chính quyền các cấp có chuyển biến mạnh mẽ theo hướng gần dân, vì dân phục vụ.

+ Công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện đồng bộ và nghiêm túc; công khai, minh bạch trên mọi lĩnh vực hoạt động và bằng nhiều hình thức, qua đó đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin một cách thuận lợi trong giao dịch hành chính cũng như giám sát kết quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Xác định cải cách hành chính là một khâu đột phá, chiến lược trong công tác PCTN. Tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo điều hành, chỉnh đốn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thủ tục hành chính với quyết tâm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Tỉnh đã chỉ đạo rà soát thủ tục hành chính tại tất cả các ngành, lĩnh vực. Thực hiện Quyết định 506/QĐ-TTg, ngày 17/4/2017 của Thủ tường Chính phủ, Tỉnh đã thành lập Trung tâm hành chính công của tỉnh; đến nay toàn tỉnh có 14/17 sở, ngành; 8/8 UBND cấp huyện; 126/126 UBND cấp xã triển khai áp dụng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; 100% các thủ tục hành chính được công bố đều được tiếp nhận giải quyết và trả kết quả tại “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại”; Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh là 825 thủ tục, có 1.025/1.704 thủ tục hành chính được tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ Bưu chính công. 100% số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và 08 đơn vị cấp huyện đã sử dụng thư điện tử; 39/39 sở, ban, ngành cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện có cổng thông tin thành phần được liên kết với cổng thông tin của tỉnh, phát huy tốt việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và công khai, minh bạch các hoạt động của ngành, địa phương. Chính vì đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đã ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

+ Công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phòng ngừa tham nhũng được Tỉnh quan tâm, tập trung chỉ đạo; căn cứ chỉ đạo của Trung ương Đảng, các quy định của pháp luật, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành hàng chục văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nhằm phòng ngừa và phát hiện xử lý tham nhũng. Đồng thời đề xuất, kiến nghị với Trung ương kịp thời bổ sung, sửa đổi những quy định của pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước nói chung và phòng ngừa tham nhũng nói riêng; các cấp, các ngành thực hiện quản lý, điều hành ngân sách nhà nước có hiệu quả theo đúng quy định của luật Ngân sách, Nghị quyết của HĐND tỉnh, đảm bảo cân đối thu chi và dự toán ngân sách các năm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập (có 576/576 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính); đẩy mạnh việc mua sắm tập trung, góp phần thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch trong mua sắm quản lý và sử dụng tài sản công. 

+ Công tác kê khai và kiểm soát kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị, luật PCTN và các Nghị định của Chính phủ. Từ năm 2015 đến năm 2018 có tổng số 108 lượt đơn vị đầu mối, với 3.625 đơn vị trực thuộc đã tổ chức việc kê khai; có 26.031 lượt người đã thực hiện kê khai/26.034 lượt người phải kê khai. Việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu (năm 2021) theo luật PCTN sửa đổi năm 2018 được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ (công văn số 252/TTCP-C.IV, ngày 19/02/2021), Thường trực Tỉnh ủy (văn bản số 130-CV/TU, ngày 15/3/2021), UBND tỉnh (kế hoạch số 122/KH-UBND, ngày 03/3/2021) đã có 58 đơn vị đầu mối tương ứng với 1.026 cơ quan, tổ chức và 8.192 người đã kê khai/8.192 người phải kê khai (Đạt 100%). Tất cả các bản kê khai đã được công khai theo quy định; qua các kỳ kê khai chưa có cá nhân, tổ chức nào có vi phạm trong việc tổ chức kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập phải xem xét xử lý theo quy định. 

+ Công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Trong hơn 5 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các địa phương, các ngành chức năng tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCTN. Nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra nội bộ, tăng cường quản lý giám sát đảng viên, có cơ chế cụ thể  để giám sát, quản lý cán bộ đảng viên bằng nhiều hình thức thiết thực. Đồng thời phát huy vai trò giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, MTTQ và ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định của pháp luật nhằm đưa mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch (ban thanh tra nhân dân đã tiến hành giám sát trên 1500 cuộc, phát hiện 286 vụ, việc, kiến nghị 275 vụ, việc; ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 1.423 công trình, phát hiện trên 250 công trình có vi phạm). Thông qua hoạt động giám sát này đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong công tác PCTN.

Trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng: Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện 21 cuộc kiểm tra, giám sát công tác PCTN tại 8 huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành cấp tỉnh; 03 cuộc kiểm tra chuyên đề (công tác giám định thiệt hại; Việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; lĩnh vực ngân hàng), thông qua kiểm tra, giám sát đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm, thiếu sót, tồn tại đối với các cấp, các ngành trong công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có biện pháp cụ thể để khắc phục và sửa chữa kịp thời các sai phạm đã được chỉ ra. Đồng thời xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc còn tồn đọng, chậm tiến độ và bỏ lọt hành vi vi phạm, đảm bảo đồng bộ trong xử lý cả về Đảng, chính quyền và hình sự. UBKT các cấp đã kiểm tra theo điều 30 Điều lệ Đảng được 2.354 lượt tổ chức Đảng và 13.300 lượt đảng viên; đã phát hiện 4 tổ chức Đảng và 19 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; kiến nghị thu hồi 204 triệu đồng (đã thu hồi xong); qua công tác kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hoặc tham mưu để cấp ủy thi hành kỷ luật 14 tổ chức Đảng và 163 đảng viên có vi phạm. 

Trong công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo: Toàn ngành thanh tra đã thực hiện 1.103 cuộc thanh tra kiểm tra tại 12.231 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền tăng cường công tác quản lý, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến PCTN; kiến nghị xử lý về kinh tế 370.931 triệu đồng. Trong đó, thu hồi về ngân sách 74.630 triệu đồng, xử phạt hành chính 22.322 triệu đồng, giảm trừ 34.124 triệu đồng, xử lý khác 239.855 triệu đồng, xử lý về đất 86.966m2; phát hiện chuyển cơ quan điều tra 06 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Tiếp nhận thụ lý giải quyết 91 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền; kiến nghị thu hồi cho nhà nước 306 triệu đồng và 3.180m2 đất; trả lại cho công dân 2.427 triệu đồng và 425m2 đất, chuyển cơ quan điều tra xem xét khởi tố 09 vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng. 

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được các cơ quan chức năng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết quyết liệt, thực hiện quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Các vụ án được đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các cơ quan điều tra của tỉnh, huyện đã khởi tố 45 vụ/181 bị can, Viện kiểm sát hai cấp truy tố 25 vụ/110 bị can, Tòa án hai cấp đã xét xử 17 vụ/60 bị cáo về các tội phạm tham nhũng. Cơ quan thi hành án dân sự và các ngành chức năng đã thu hồi được 27.455 triệu đồng/252.643 triệu đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, đất đai, kê biên 04 mảnh đất, 01 xe ô tô. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý dứt điểm 4/5 vụ việc, vụ án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và đưa 26 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, đất đai có tính chất phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi đôn đốc xử lý của Ban Nội chính Tỉnh ủy. 

Nhìn chung trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh sự giám sát của các cơ quan dân cử, MTTQ và các tổ chức thành viên, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành chức năng công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực trong toàn xã hội, tham nhũng trên một số lĩnh vực đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. 

Tuy nhiên, qua đánh giá sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TU cho thấy công tác PCTN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa phong phú, đa dạng, hấp dẫn, chưa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; việc thực hiện các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức; một số giải pháp còn mang tính hình thức; vẫn còn cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực gây khó khăn phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; một số cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành chất lượng chưa cao, tính khả thi của kết luận còn thấp; việc phát hiện tham nhũng qua công tác tự kiểm tra nội bộ vẫn là khâu yếu; chất lượng và tiến độ giải quyết một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, đất đai còn chậm và chưa đạt yêu cầu; nhiều vụ án phải tạm đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra nhưng chưa có kết quả giám định, định giá tài sản; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, đất đai còn thấp so với yêu cầu đề ra. 

Để công tác PCTN lãng phí có hiệu quả và chuyển biến tích cực hơn nữa trong thời gian tới, ngày 21/6/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 159-KL/TU về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 45-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu trong thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về PCTN, lãng phí. Trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 6 nhóm giải pháp chính, trọng tâm được nêu trong Kết luận. Đồng thời giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy các chủ trương giải pháp trong công tác PCTN, lãng phí và chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 

Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng và cả hệ thống chính trị, công tác PCTN trong thời gian tới của tỉnh sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả cao hơn nữa./. 

                                                                  Lương Duy Thiệu

Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy