Đổi mới thì sống, không đổi mới thì chết. “Không có con đường nào khác” – Nguyễn Văn Linh nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo

01/07/2021 08:51 Số lượt xem: 763

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1-7-1915 trong một gia đình công chức tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Năm 4 tuổi đồng chí mất cha, 7 tuổi mồ côi mẹ, 15 tuổi tham gia hoạt động cách mạng, đi rải truyền đơn, rồi bị địch bắt, bị tù đầy, 2 lần bị tù đầy ra ngục tù trần gian Côn Đảo.  

 Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã bật đèn xanh cho Thành phố Hồ Chí Minh “xé rào” đổi mới. Năm 1980, khi còn là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, thí điểm đổi mới quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước. Đây là những bước đột phá đầu tiên mặc dù chưa hoàn thiện nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý cũ. Dù bị nhiều người phê phán, cho rằng thành phố chạy theo cơ chế thị trường nhưng đồng chí vẫn kiên định với cách làm này.

Tháng 7 năm 1983, khi các đồng chí lãnh đạo cấp cao là Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công đang nghỉ ở Đà Lạt, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh đã tổ chức “ Hội nghị Đà Lạt” trong vòng một tuần. Đồng chí cùng một số giám đốc cơ sở làm ăn có lãi trực tiếp gặp 3 đồng chí lãnh đạo trên để đề đạt nguyện  vọng và mời họ đi thăm cơ sở chế biến tơ tằm, xí nghiệp chè của thành phố tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ngay hôm sau, đồng chí có buổi làm việc riêng với 3 đồng chí, báo cáo tất cả tâm tư mà bản thân đang nung nấu. Tư tưởng đổi mới đã được đồng chí vận dụng vào việc chuẩn bị văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng, khởi xướng cho công cuộc đổi mới đất nước kể từ năm 1986.

          Nói về sự kiện này, đồng chí Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, khi đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: “Cuộc đấu tranh giữa đổi mới và bảo thủ, trì trệ diễn ra khá gay gắt. Để giải quyết một cách có tính thuyết phục, đồng chí đã đề nghị lãnh đạo Trung ương trực tiếp nghe báo cáo. Qua thời gian tiếp xúc, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương đã nhất trí với quan điểm đổi mới. Một lần nữa, đồng chí Nguyễn Văn Linh lại có sự đóng góp đáng kể trong bước ngoặt lịch sử mới, đưa đất nước ta ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội đầy thách thức, nguy hiểm”.

          Nhận ra đổi mới là tất yếu, đồng chí Nguyễn Văn Linh mạnh dạn vận dụng những kinh nghiệm từ địa phương kiến thiết cho công cuộc đổi mới đất nước. Tháng 12 năm 1986 trở thành Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã ngoài 70 tuổi. Lúc này, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc tổng điều chỉnh giá-lương-tiền trước đó bộc lộ nhiều khuyết điểm khiến nền kinh tế xuống dốc. Xuất nhập khẩu thu hẹp, sản xuất đình đốn, lạm phát tăng vọt, thiếu đói. Viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cắt giảm, đất nước bị cấm vận. Yêu cầu đặt ra là “đổi mới thì sống, không đổi mới thì chết”.

          Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: “Không có con đường nào khác là phải kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thực hiện phân cấp quản lý theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế, phát huy vai trò của khoa học kỹ thuật, mở rộng nâng cao hiểu quả kinh tế đối ngoại”.

          Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã quyết định đường lối đổi mới.

          Đồng chí nhấn mạnh: “Cái mới không dễ được chấp nhận. Còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để bằng thực tế với cung cách làm ăn có hiệu quả mới có thể thuyết phục nhằm thay đổi dần được cách nghĩ, cách điều hành theo lề lối cũ”.

  Vừa đổi mới, đồng chí vừa quan tâm đến những việc cần làm ngay, đề ra phương châm nói và làm. Đồng chí đã khởi xướng cuộc đấu tranh chống tiêu cực trên mặt trận báo chí với phương châm: Báo chí không được uốn cong ngòi bút.

          Ngày 25/5/1987, trang nhất báo Nhân dân đăng bài Những việc cần làm ngay. Bài viết đi thẳng vào vấn đề khi đó là giá cả tăng vọt của tác giả ký tên là N.V.L khiến nhiều người quan tâm. Từ ngày đó đến ngày 28/9/1990 đã có 27 bài báo với nhan đề Những việc cần làm ngay, đề cập chủ yếu đến việc chống tiêu cực, phê phán việc ngăn sông cấm chợ, những bất hợp lý trong sản xuất, phân phối, lưu thông, nhắc đến đời sống giáo viên quá chật vật…Loại bài viết đã tạo ra một luông sinh khí mới trong xã hội: công khai, dám nói thẳng, nói thật trong những năm đầu đổi mới.

          Ghi nhận công lao của đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đánh giá: “Suốt nhiệm kỳ Đại hội VI, với cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đả cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo khôn khéo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xẩy ra những biến động to lớn trên thế giới; đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế xã hội. củng cố quốc phòng an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.

          Năm 1991, Tổng Bí thư  Nguyễn Văn Linh tự nguyện rút lui, không tham gia Trung ương khóa mới. Khi Bộ Chính trị đề nghị đồng chí làm thêm một khóa nữa, đồng chí thẳng thắn nói: “Tôi tuổi cao rồi. Tuổi cao mà nhận trọng trách thì khó tránh khỏi những sai lầm”. sau khi rời vị trí, đồng chí trở thành cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng cho đến ngày ra đi 1998.

          Đồng chí Nguyễn Văn Linh là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo cho tất cả chúng ta học tập, noi theo đặc biệt là cán bộ lãnh đạo.

                                                                     Đỗ Ngọc Uẩn

                                                     60- Mai Bang-Suối Hoa-Bắc Ninh