Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội

04/02/2025 13:41 View count: 25

Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần của Chỉ thị 41.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 41: Công tác tuyên truyền các nội dung Chỉ thị 41 và các chủ trương của Đảng về công tác quản lý và tổ chức lễ hội được quan tâmvà thực hiện thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng; nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò, chức năng của công tác quản lý, tổ chức lễ hội và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân trên địa bàn về tổ chức và tham gia hoạt động lễ hội được nâng lên.

Hầu hết các lễ hội trên địa bàn tỉnh được tổ chức nề nếp, theo đúng quy định của Trung ương, của tỉnh, phù hợp với các quy định của nhà nước; phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu văn hoá, tinh thần lành mạnh của nhân dân. Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đều vào cuộc trong việc quản lý và tổ chức các lễ hội, đảm bảo cho các lễ hội được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác vệ sinh môi trường.

Công tác quy hoạch không gian lễ hội có chuyển biến tích cực, gắn với việc quy hoạch, trùng tu, tôn tạo di tích (giai đoạn 2015 – 2025, Bắc Ninh lập hồ sơ xếp hạng cho 01 di tích quốc gia đặc biệt, 09 di tích quốc gia và 129 di tích cấp tỉnh) và công tác phát triển du lịch tại địa phương; công tác đầu tư quy hoạch và xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở; quy hoạch không gian lễ hội được quan tâm mở rộng, các khu dịch vụ ăn uống, quầy hàng văn hóa phẩm được đưa ra ngoài khu di tích; công tác vệ sinh môi trường trong các lễ hội nhìn chung được đảm bảo, nhiều địa phương đã mở rộng hạ tầng giao thông, phân luồng giao thông được quan tâm và thực hiện tốt; quy hoạch, xây dựng địa điểm trông giữ xe để phục vụ nhu cầu, đảm bảo sự tiện cho du khách về thăm quan di tích, tham dự lễ hội, tiêu biểu trong công tác quy hoạch không gian lễ hội như: đền Bà Chúa Kho, chùa Phật tích, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, đền Đô, đền Giếng…

Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và tổ chức lễ hội được tăng cường, trong đó, tập trung đối với một số lễ hội có những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, các lễ hội gắn với các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và lễ hội có tính ảnh hưởng vùng, đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các nội dung vi phạm tại chỗ đối với các hộ cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện trục lợi, không niêm yết giá dịch vụ, ép giá cao; tạm giữ và tiêu hủy quẻ, thẻ làm công cụ cho hoạt động mê tín dị đoan, hàng nghìn sách in, ấn phẩm phô tô văn hóa phẩm, băng đĩa ngoài luồng, không tem nhãn, tờ gấp, tờ rơi quảng cáo không được phép lưu hành; chấn chỉnh, nhắc nhở kịp thời những hoạt động mê tín dị đoan, mất vệ sinh môi trường, thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định.

Đối với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế, du lịch: Là một trong những địa phương đi đầu cả nước về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; ban hành cơ chế, chính sách tôn vinh và chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể...Đặc biệt, thực hiện cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh- Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca quan họ; đồng thời thực hiện đầy đủ, hiệu quả những nội dung cam kết với UNESCO, tập trung: tuyên truyền quảng bá về di sản; hỗ trợ đầu tư tu bổ, xây dựng thiết chế văn hoá và đầu tư trang thiết bị liên quan phục vụ nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo, truyền dạy Dân ca Quan họ Bắc Ninh; sưu tầm, chỉnh lý, bảo tồn Dân ca Quan họ Bắc Ninh; xây dựng Trung tâm lưu trữ, bảo tồn và khai thác Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Cùng với Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù, di sản Nghi lễ và trò chơi Kéo co làng Hữu Chấp, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công bố đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phát triển du lịch của địa phương; chọn lựa một số lễ hội đặc sắc, ấn tượng gắn với các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh để xây dựng, hình thành các điểm du lịch của địa phương; phát triển xây dựng thành sản phẩm chính để đầu tư, xúc tiến, quảng bá thu hút du khách….

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn, thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 41 và các văn bản chỉ đạo của các cấp; tăng cường công tác tuyên truyền về các di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân;

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo Quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ- CP, ngày 29/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ;

Ba là, kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;

Bốn là, tiếp tục đầu tư kinh phí tu bổ chống xuống cấp các di tích theo từng giai đoạn; hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật về giao thông, viễn thông, cấp thoát nước, môi trường đối với các di tích được công nhận là điểm du lịch... Đối với các di tích và lễ hội tiêu biểu trong chương trình gắn với phát triển du lịch cần có kế hoạch trùng tu tôn tạo trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, đảm bảo việc tôn tạo, nâng cấp kịp thời vừa đảm yếu tố gốc vừa đáp ứng nhu cầu hội nhập phát triển nhằm nâng cao hiệu quả việc phát huy giá trị di tích và lễ hội;

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm theo các Quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; xử lý nghiêm và có biện pháp chấn chỉnh các hiện tượng như: khấn thuê, chèo kéo khách, rút quẻ thẻ, bói bài tây, những cá nhân lợi dụng tâm linh để lừa bịp trong lễ hội;

Sáu là, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, hạn chế, tồn tại, đề xuất các giải pháp để khắc phục; kịp thời nhân rộng, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 41./.

Nguyễn Quỳnh Giao

Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy